Dấu hiệu nhận biết Ung Thư Phổi và cách điều trị phù hợp

Ung thư phổi hiện nay được xem là một trong những căn bệnh “chết chóc” nhất mọi thời đại. Mỗi năm, ung thư phổi giết chết hàng trăm ngàn người và con số này vẫn không ngừng tăng lên. Vậy bạn đã biết gì về căn bệnh nguy hiểm này? Hãy cùng trang bị những kiến thức cơ bản nhất để giúp bản thân và gia đình hạn chế bị ung thư phổi nhé!

Tổng quan

Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi là căn bệnh xuất hiện do sự tăng sinh tế bào mô phổi vượt mức kiểm soát dẫn đến việc hình thành những khối u ác tính. Các khối u này nếu không được điều trị kịp thời có thể di căn đến khắp cơ thể và dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Những khối u này có thể gây xuất huyết cục bộ, làm tắc nghẽn hô hấp, ho kéo dài, khó thở hay nhiễm khuẩn. Khối u có thể phát triển ra thành ngực gây đau. Tuy nhiên, đôi khi ung thư phổi có thể phát triển to và bệnh nhân không có triệu chứng.

Mặc dù là căn bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng ung thư phổi thường không có triệu chứng rõ ràng và thường chỉ được bác sĩ phát hiện qua các xét nghiệm y khoa khi đã vào giai đoạn nguy hiểm nên việc điều trị có thể gặp rất nhiều khó khăn.
Có những loại ung thư phổi nào?

Ung thư phổi được phân loại dựa vào các xét nghiệm mô bệnh học. Hầu hết các trường hợp ung thư phổi đều bắt nguồn từ biểu mô và được phân loại như sau:

-      Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) bao gồm ưng thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào lớn.

Ung thư biểu mô tuyến chiếm khoảng 40% số trường hợp ung thư phổi và xuất phát từ các mô phổi ngoại vi. Ung thư biểu mô tế bào vảy chiếm gần 30% số ca và ung thư biểu mô tế bào lớn chiếm 9% số ca ung thư phổi.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư phổi không tế bào nhỏ là thuốc lá và ô nhiễm môi trường. Ung thư phổi không tế bào nhỏ thường không có biểu hiện đặc trưng nên rất khó để phát hiện.

-      Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) chiếm khoảng 10% số trường hợp ung thư phổi.

Tế bào nhỏ là các hạt nhỏ chứa hocmon thần kinh nội tiết. Hầu hết các trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ có khởi đầu từ phế quản và lan rộng một cách nhanh chóng. Loại ung thư này lại có phản ứng tích cực với các phương pháp hóa trị liệu nhưng lại có nguy cơ tái phát cao.

Ung thư tế bào nhỏ chủ yếu gây ra bởi hút thuốc quá nhiều và phổ biến hơn ở nam giới.

Thống kê về ung thư phổi.

Ung thư phổi chiếm 12% trong tổng số các bệnh ung thư nhưng lại chiếm 28% số ca tử vong. Điều này cho thấy đây là căn bệnh rất nguy hiểm. Tại Việt Nam, mỗi năm có trên 20000 người được chẩn đoán bị ung thư phổi và tỉ lệ tử vong lên đến 85 – 90%.

Hiện nay, trên thế giới có hơn 2 triệu người bị ung thư phổi và con số này vẫn tăng lên do nhiều nguyên nhân như ô nhiễm môi trường gia tăng, làm việc trong không gian độc hại, nghiện thuốc lá…
Nguyên nhân gây ung thư phổi.

Nguyên nhân sâu xa của ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng là do sự đột biến gen dẫn đến tăng sinh tế bào quá mức kiểm soát. Xét về nguyên nhân trực tiếp thì ung thư phổi gây ra bởi các yếu tố chính như sau:

-      Thuốc lá: Đây là nguyên nhân chủ yếu của ung thư phổi. Bất kể là người hút thuốc (hút thuốc chủ động) hoặc người xung quanh người hút thuốc (hút thuốc bị động) đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của trên 73 chất cực độc có trong khói thuốc lá như nicotin, benzopyren…

-      Khí Radon: Các hoạt động phân rã phóng xạ Urani, Radi tạo ra một chất khí không màu, không mùi là Radon. Hàm lượng Radon trong không khí phụ thuộc vào khu vực sinh sống(khu vực thử nghiệm hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân có nguy cơ cao hơn) và thành phần địa chất tại khu vực đó.

-      Amiang: Đây là chất gây ra nhiểu bệnh ở phổi, đặc biệt là ung thư phổi. Những người hút thuốc và tiếp xúc amiang sẽ có nguy cơ ung thư phổi cao hơn 45 lần người bình thường. Amiang thường có trong các vật liệu chịu nhiệt rất phổ biến trong xã hội hiện nay.

-      Ô nhiễm không khí là nguy cơ đang ảnh hưởng đến khoảng 2.5 tỉ người trên hành tinh và chiếm 1.5% số trường hợp tử vong do ung thư phổi.

-      Di truyền: Khoảng 8% bệnh nhân ung thư phổi là do các yếu tố di truyền

-      Nguyên nhân khác: Kim loại nặng, sản phẩm của quá trình đốt cháy, bức xạ ion hóa, khí độc…

Ảnh hưởng của khói thuốc gián tiếp. Rủi ro cho Người Không hút thuốc

Hút thuốc là gián tiếp còn gọi là hút thuốc lá bị động dùng để chỉ những người chỉ hít khói thuốc từ môi trường mà không trực tiếp hút thuốc. Hút thuốc là gián tiếp thậm chí còn nguy hiểm hơn hút trực tiếp và gây ra 600,000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Trong đó có đến hơn 150,000 trẻ em.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới thì chỉ có 7% dân số sống trong môi trường hoàn toàn không có thuốc lá. Điều này đã thể hiện mức độ nguy hiểm rất cao của hút thuốc lá gián tiếp và tầm ảnh hưởng rộng khắp của nó.

Triệu chứng và các giai đoạn của ung thư phổi

Dấu hiệu bệnh ung thư phổi.

Như đã đề cập ở trên, thời gian đầu ung thư phổi có rất ít dấu hiệu và những dấu hiệu này không đặc trưng nên người bệnh hầu như chỉ được chẩn đoán khi bước sang giai đoạn nguy hiểm. Một số triệu chứng thương gặp ở ung thư phổi như sau:

-      Vấn đề về hô hấp: ho ra máu, ho kéo dài, thở khò khè, khó thở..

-      Dấu hiệu tổng thể: mệt mỏi, sụt cân nhanh chóng, sốt kéo dài

-      Dấu hiệu khối u chèn ép các bộ phận khác: đau tức ngực, khó nuốt, đau khi thở

Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào các dấu hiệu này thì hiệu quả điều trị sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Do đó, khuyến nghị của các cơ quan y tế là khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và xác định dấu hiệu cận ung thư như tăng canxi huyết, hội chứng nhược cơ, hội chứng tăng tiết hocmon vỏ thượng thận…

Nốt phổi đơn độc nói lên điều gì về ung thư phổi?

Nốt phổi đơn độc là kết quả của những tổn thương phổi, nốt có bờ rõ ràng, hình dạng bầu dục hoặc hình tròn, đường kính dưới 5cm và được bao quanh bởi các mô bình thường.

Trong số các nốt phổi đơn độc thì 60% lành tính và 40% ác tính. Các nốt phổi này đôi khi là di căn của các khối u khác, do đó cần phải xác định chính xác nguồn gốc của chúng trước khi điều trị.
Các giai đoạn của ung thư phổi.

Giai đoạn của ung thư phổi được phân chia dựa trên phân loại và tình trạng hiện tại:

Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ:

-      Giai đoạn hạn chế: Khi ung thư được phát hiện trong một lá phổi và các mô xung quanh nó.

-      Giai đoạn mở rộng: Ung thư được tìm thấy bên ngoài khu vực phổi

Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ:

-      Giai đoạn ủ bệnh: Các tế bào ung thư được tìm thấy trong các mẫu dịch xét nghiệm nhưng không phát hiện khối u

-      Giai đoạn 0: Tế bào ung thư chỉ được tìm thấy ở niêm mạc trong của phổi, đây còn gọi là ung thư biểu mô tại chỗ và hiếm khi lây lan

-      Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư xuất hiện nhiều trong phổi nhưng chưa tấn công các khu vực xung quanh

-      Giai đoạn 2: Tế bào ung thư bắt đầu tấn công hạch bạch huyết, thành ngực, màng phổi…

-      Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã lan ra khu vực tim và phổi

-      Giai đoạn 4: Ung thư tấn công toàn bộ cơ thể và khối u bắt đầu di căn

Chẩn đoán và kiểm tra

Sàng lọc ung thư phổi

Sàng lọc ung thư phổi là tiến hành khám sức khỏe để tầm soát ung thư nhằm phát hiện sớm nhất có thể. Tất cả mọi người đều nên khám sàng lọc ung thư phổi đặc biệt là 2 nhóm đối tượng điển hình sau:

-      Nhóm 55 – 74 tuổi và hút trên 30 gói/năm

-      Nhóm trên 5 tuổi và hút trên 20 gói/năm đồng thời có một trong các yếu tố như tiền sử ung thư, có người thân ung thư, làm việc trong điều kiện độc hại.

Quy trình bao gồm chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc liều thấp hàng năm cho đến khi không còn khả năng tiến hành điều trị.
Phương pháp chuẩn đoán ung thư phổi

-      Khám lâm sàng

Bác sĩ tiến hành thăm khám tổng quát về điều kiện sức khỏe cũng như hồ sơ, tình trạng của bệnh nhân hiện tại.

-      Chụp X-quang phổi

Bệnh nhân được chụp X-quang ở tư thế nghiêng và thẳng đứng. Phương pháp này có thể xác định tràn dịch phổi, vị trí và khu vực phổi tổn thương tuy nhiên không phân biệt được chính xác ung thư phổi và một số bệnh có tổn thương tương tự như apxe..

-      Chụp CT

Tiến hành khi bệnh nhân đã chụp X-quang và có dấu hiệu của khối u trong phổi. Những hình ảnh cắt lớp chi tiết cho phép bác sĩ đánh giá cụ thể vị trí, kích thước và tình trạng khối u trong phổi.

-      Sinh thiết mô

Đây là phương pháp cuối cùng để đi đến kết luận rằng bệnh nhân có bị ung thư phổi hay không. Một mẫu mô từ khu vực khối u sẽ được lấy và soi nhuộm dưới kình hiển vi và bác sĩ sẽ đưa ra kết luận cụ thế.

Ngoài ra còn có một số phương pháp như chọc dịch màng phổi, xét nghiệm dịch hô hấp, nội soi phế quản…

Điều trị và chăm sóc

Ung thư phổi được điều trị bằng cách kết hợp nhiều phương pháp với nhau như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị…
Phẫu thuật ung thư phổi

Dựa vào điều kiện sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật hoặc không. Đây là phương pháp ưu tiên dành cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm khi khối u chưa di căn.
Xạ trị

Khoảng 35 – 40% bệnh nhân ung thư phổi được tiến hành xạ trị. Ở đây, bác sĩ sẽ dùng liều lượng chính xác các bức xạ ion hóa và tia X năng lượng cao để tác động vào các khối u để phá hủy khối u và ngăn chặn tế bào bất thường tăng sinh. Đây là phương pháp hiệu quả để kéo dài sự sống nhưng lại không chữa được tận gốc ung thư phổi

Hóa trị

Bác sĩ sẽ dùng các hóa chất chuyên biệt để đưa vào cơ thể, các hóa chất này sẽ tấn công tế bào ung thư và phá hủy chúng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là có nhiều tác dụng phụ vì hóa chất sẽ phá hủy cả tế bào khỏe mạnh.
Giảm đau

Hỗ trợ giảm đau là phần rất cần thiết trong quá trình điều trị ung thư phổi. Bệnh nhân thường được bổ sung các hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ và thuốc giảm đau. Bên cạnh đó là lập một thời gian biểu kèm theo chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp để tinh thần người bệnh không bị suy sụp.
Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi

Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi có thể chia làm 4 mảng chính:

-      Làm giảm đau bằng thuốc giảm đau, an thần, chế độ sinh hoạt lành mạnh, tăng cường giấc ngủ…

-      Làm giảm hiện tượng khó thở bằng cách kê cao đầu khi nằm, không hoạt động mạnh, làm sạch dịch ở họng, tập thở sâu

-      Chế độ dinh dưỡng cân bằng, giàu chất chống oxy hóa, có thể cho bệnh nhân ăn thành nhiều bữa nhỏ với thức ăn giàu đạm. Nếu bệnh nhân không tự ăn được thì phải truyền dịch để đảm bảo năng lượng.

-      Cải thiện tinh thần bằng cách an ủi, động viên và thường xuyên trò chuyện với bệnh nhân, lắng nghe họ và giúp họ tránh xa các yếu tố gây stress.

Cách phòng ngừa ung thư phổi

Mặc dù là căn bệnh chết người nhưng ung thư phổi lại dễ phòng ngừa. Do đó, chúng ta cần biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và xã hội:

-      Tránh xa khói thuốc lá

-      Ăn uống lành mạnh

-      Tập thể dục đều đặn

-      Dùng dụng cụ hỗ trợ lọc không khí

-      Tránh phơi nhiễm hóa chất

-      Tầm soát ung thư phổi định kì

Tóm lại, ung thư phổi là hung thần đối với nhân loại trong xã hội phát triển khi mà môi trường ngày càng ô nhiễm và xung quanh luôn có yếu tố nguy cơ như thuốc lá, hóa chất độc hại… Do đó, mỗi người trong chúng ta cần phải tìm hiểu và tự có biện pháp hạn chế tiếp xúc với tác nhân ung thư cũng như cải thiện sức khỏe của cơ thể.