Điều trị hiệu quả Bệnh Động Mạch Vành

Bệnh động mạch vành còn được gọi là bệnh tim mạch vành, hoặc đơn giản hơn là bệnh tim. Căn bệnh này ảnh hưởng đến sức khỏe hàng triệu người Mỹ. Tình trạng nghiêm trọng này là do sự tích tụ mảng bám trong động mạch gây ra.

Bệnh động mạch vành là gì?

Các động mạch bình thường trơn nhẵn và có tính đàn hồi, khi bị các mảng bám bám lên thành thì chúng sẽ trở nên xơ cứng và thu hẹp lại. Điều này khiến lưu lượng máu đến tim bị hạn chế và có thể dẫn đến thiếu oxy.

Mảng bám có thể bị vỡ dẫn đến đau tim hoặc đột tử do tim.

Bệnh mạch vành phát triển như thế nào?

Mảng bám có thể xâm nhập vào thành mạch máu của bạn từ khi còn trẻ. Về già, mảng bám sẽ phát triển nhiều hơn khiến thành mạch máu bị viêm và làm tăng nguy cơ huyết khối và đau tim.

Các mảng bám làm cho các thành bên trong mạch máu bị kết dính. Sau đó các tế bào viêm, lipoprotein, và canxi, đi qua máu của bạn và trộn lẫn vào các mảng bám.

Khi nhiều tế bào viêm tích tụ cùng với cholesterol, mảng bám sẽ lớn lên, đẩy thành động mạch phình lên và tiếp tục phát triển. Điều này khiến cho các mạch máu bị thu hẹp.

Sau cùng, động mạch vành bị hẹp có thể phát triển các mạch máu mới đi qua khối tắc nghẽn để đưa máu đến tim. Tuy nhiên, hoạt động gắng sức hoặc căng thẳng sẽ khiến các động mạch mới không thể cung cấp đủ máu giàu oxy cho cơ tim.

Trong một số trường hợp, khi mảng bám bị vỡ, khối máu đông có thể chặn đường cung cấp máu cho cơ tim. Điều này gây ra đau tim

Nếu một mạch máu bị tắc nghẽn, thường do khối máu đông gây ra thì có thể dẫn đến tai biến mạch máu não.

Nếu một mạch máu trong não vỡ ra, có thể là do tăng huyết áp kháng trị (huyết áp cao) thì có thể dẫn tới đột qụy do xuất huyết não.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dùng aspirin liều thấp mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ ở những người từ 50 tuổi trở lên và có nguy cơ bị bệnh tim.

Thiếu máu cục bộ là gì?

Thiếu máu cục bộ ở tim là khi mảng bám và các chất béo khiến động mạch bị thu hẹp bên trong quá nhiều, khiến nó không thể cung cấp đủ máu chứa oxy cho tim. Điều này có thể gây ra các cơn đau tim - có thể có hoặc không kèm theo đau ngực và các triệu chứng khác.

Tình trạng thiếu máu cục bộ xảy ra nhiều nhất trong thời gian:

• Tập thể dục hoặc vận động gắng sức

• Ăn

• Kích động hoặc căng thẳng

• Tiếp xúc với trời lạnh

Bệnh mạch vành có thể khiến thiếu máu cục bộ xảy ra ngay cả khi bạn nghỉ ngơi. Đây là trường hợp y tế khẩn cấp và có thể gây ra đau tim. Nếu tình trạng này xảy ra với bạn, hãy gọi bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu. Tuy phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường hơn, nhưng tình trạng thiếu máu cục bộ có thể xảy ra mà không báo trước với bất cứ ai mắc bệnh tim.

Các triệu chứng của bệnh mạch vành là gì?

Triệu chứng phổ biến nhất là đau thắt ngực, hoặc đau ngực.

Đau thắt ngực có thể được mô tả với các triệu chứng sau:

  • Cảm giác nặng nề
  • Áp lực
  • Đau nhức
  • Nóng
  • Đầy hơi
  • Đè nén
  • Cảm giác đau

Nó có thể bị nhầm lẫn với chứng khó tiêu hoặc ợ nóng.

Đau thắt ngực thường được cảm nhận ở ngực, nhưng cũng có thể cảm thấy ở những vị trí sau:

  • Vai trái
  • Cánh tay
  • Cổ
  • Lưng
  • Hàm

Triệu chứng thường nhẹ hơn ở phụ nữ. Buồn nôn, đổ mồ hôi, mệt mỏi, hoặc khó thở có thể là triệu chứng đi cùng cơn đau ngực thông thường.

Các triệu chứng khác có thể xảy ra với bệnh động mạch vành bao gồm:

  • Khó thở
  • Trống ngực (nhịp tim bất thường, lỡ nhịp, hoặc cảm giác bập bênh trong ngực)
  • Nhịp tim nhanh
  • Suy yếu hoặc chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Ra mồ hôi

Bệnh mạch vành được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ có thể cho biết bạn có bị bệnh động mạch vành không sau khi:

  • Xem xét các triệu chứng, tiền sử bệnh và các yếu tố nguy cơ của bạn.
  • Khám sức khoẻ.
  • Các xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm cả điện tâm đồ (ECG hoặc EKG), siêu âm tim, kiểm tra vận động gắng sức, chụp CT bằng tia điện tử, thông tim và các xét nghiệm khác. Những xét nghiệm này giúp bác sĩ của bạn biết được mức độ bệnh tim mạch vành, ảnh hưởng của nó tới tim và cách điều trị tốt nhất cho bạn.

Cách điều trị bệnh như thế nào?

Điều này liên quan tới các yếu tố:

Thay đổi lối sống: Nếu bạn hút thuốc thì hãy bỏ thuốc. Tránh thực phẩm chế biến sẵn và áp dụng chế độ ăn ít chất béo chuyển hóa, ít muối và đường. Kiểm soát lượng đường trong máu của bạn nếu bạn bị tiểu đường. Tập thể dục thường xuyên (nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu một chương trình tập luyện).

Thuốc men: Nếu thay đổi lối sống chưa cải thiện tình hình, có thể cần phải dùng thuốc. Một số loại thuốc bạn cần dùng dùng phụ thuộc vào tình trạng của bạn. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh động mạch vành, có thể bạn sẽ cần dùng aspirin và statin.

Phẫu thuật và các thủ tục khác: Những thủ tục thường gặp trong điều trị bệnh bao gồm:

  • Phẫu thuật đặt ống thông bong bóng
  • Đặt stent
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Tất cả những biện pháp này nhằm cung cấp máu cho tim của bạn, nhưng chúng không chữa được bệnh mạch vành. Bạn vẫn cần phải giảm nguy cơ bị bệnh tim.

Các bác sĩ cũng đang khảo sát các phương pháp tiên tiến điều trị bệnh tim, bao gồm:

Phương pháp tạo mạch. Phương pháp này liên quan đến những thứ như tế bào gốc và các vật liệu di truyền khác được truyền qua tĩnh mạch, hoặc truyền trực tiếp vào mô tim bị hỏng. Nó được thực hiện để giúp các mạch máu mới phát triển và đi vòng qua những mạch máu bị tắc.

EECP (phản xung động ngoại biên). Những bệnh nhân mắc chứng đau thắt ngực mạn tính, nhưng không được dùng các thuốc chứa nitrate hoặc không đủ thể trạng thực hiện một số thủ thuật, có thể áp dụng biện pháp này. Đó là một thủ tục ngoại biên sử dụng những ống bao quanh chân có thể phồng lên và xẹp xuống giúp tăng cường cung cấp máu cho động mạch vành.

Làm Gì Nếu Bạn Mắc Bệnh Động Mạch Vành

Học cách nhận biết các triệu chứng của bệnh tim và nguyên nhân gây ra bệnh.

Liên lạc với bác sĩ nếu bạn bắt đầu cảm thấy xuất hiện triệu chứng mới hoặc các triệu chứng thông thường trở nên thường xuyên hoặc nghiêm trọng hơn. Nếu bạn hoặc người ở cùng bị đau ngực, đặc biệt nếu cơn đau đi kèm khó thở, trống ngực, chóng mặt, nhịp tim nhanh, buồn nôn, hoặc đổ mồ hôi, hãy gọi 911 để được giúp đỡ.

Nếu bạn đã được kê toa nitroglycerin để chữa đau ngực, hãy gọi bác sĩ của bạn hoặc nhờ người đưa bạn đến phòng cấp cứu nếu vẫn cảm thấy đau sau hai lần dùng thuốc (cách nhau khoảng 5 phút) hoặc sau 15 phút.

Nhân viên cấp cứu có thể yêu cầu bạn nhai một viên aspirin nhằm phá vỡ khối máu đông (nếu có).