Nguyên nhân gây ra Suy Tim và biện pháp phòng ngừa

Suy tim có thể là do bệnh động mạch vành, đau tim, bệnh cơ tim, và huyết áp cao gây ra. Điều trị suy tim bao gồm việc tập thể dục theo quy định của bác sĩ, thay đổi chế độ ăn uống, dùng thuốc và có khi là phẫu thuật.

Suy tim là gì?

Tên của căn bệnh này có lẽ hơi khó hiểu. Khi bạn bị suy tim không có nghĩa là tim bạn ngừng đập. Chính xác là tim bạn không thể bơm máu như bình thường được.

Các buồng tim có thể phản hồi bằng cách kéo dãn ra để chứa thêm nhiều máu để bơm khắp cơ thể. Chúng có thể trở nên cứng và dày hơn. Điều này giúp vận chuyển máu trong một khoảng thời gian, nhưng dần dần các thành cơ của cơ tim có thể yếu đi.

Thận sẽ phản ứng bằng cách khiến cho cơ thể giữ nước và muối. Từ đó chất lỏng có thể dần hình thành trong cánh tay, chân, mắt cá, bàn chân, phổi, hoặc các cơ quan khác.

Nguyên nhân là gì?

Suy tim có thể do nhiều tình trạng tổn thương tim gây ra, bao gồm:

Bệnh động mạch vành. Đây là bệnh của các động mạch cung cấp máu và oxy cho tim. Bệnh này làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim của bạn. Nếu động mạch hẹp hoặc bị tắc nghẽn, tim bạn sẽ bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng cũng như không thể bơm máu như bình thường được.

Đau tim. Điều này có thể xảy ra khi động mạch vành bị chặn đột ngột làm ngừng dòng máu đến cơ tim.

Bệnh cơ tim. Đây là tổn thương cơ tim, nguyên nhân có thể là do các vấn đề về động mạch hoặc dòng chảy của máu, nhiễm trùng, lạm dụng rượu và ma túy. Các bệnh khác hoặc các vấn đề di truyền cũng có thể gây ra nó. Hãy chắc chắn rằng bác sĩ của bạn biết lịch sử sức khoẻ gia đình bạn.

Những tình trạng khiến tim làm việc quá sức. Bao gồm những tình trạng như huyết áp cao, bệnh van tim, bệnh tuyến giáp, bệnh thận, tiểu đường, hoặc các khuyết tật tim bẩm sinh.

Các loại suy tim

Suy tim tâm thất. Điều này xảy ra khi cơ tim của bạn không siết chặt đủ. Khi đó, tim sẽ bơm ít máu oxy giàu qua cơ thể của bạn hơn.

Suy tim tâm trương. Tim bạn đập bình thường, nhưng tâm thất, tức buồng bơm chính, không thả lỏng đúng cách. Điều này làm giảm lượng máu có thể đi vào tim và tăng huyết áp trong phổi. Khi đó, chất lỏng sẽ tích tụ trong phổi, chân, và bụng của bạn.

Các giai đoạn suy tim

Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ và Trường Môn Tim Mạch Hoa Kỳ đã đưa ra một danh sách các giai đoạn suy tim, giúp bạn hiểu tình trạng bệnh thay đổi theo thời gian như thế nào và các phương pháp điều trị được sử dụng trong từng giai đoạn.

Giai đoạn A. Đây là khoảng thời gian bạn có nguy cơ bị suy tim. Bạn có thể ở giai đoạn này nếu bạn gặp các tình trạng:

• Huyết áp cao

• Bệnh tiểu đường

• Bệnh động mạch vành

• Hội chứng chuyển hóa

Bạn cũng có thể có nguy cơ nếu bạn có tiền sử:

• Điều trị bằng thuốc trị đau tim

• Lạm dụng rượu

• Thấp khớp

• Các thành viên trong gia đình bạn mắc bệnh cơ tim

Nếu bạn ở giai đoạn A, bác sĩ có thể gợi ý bạn thay đổi lối sống và cách điều trị như sau:

• Tập thể dục đều đặn

• Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ ngay.

• Điều trị cao huyết áp hoặc cholesterol cao.

• Ngừng uống chất có cồn hoặc sử dụng ma túy.

• Dùng thuốc ức chế ACE hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) nếu bạn bị bệnh động mạch vành hoặc nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, hoặc các bệnh tim mạch khác.

• Dùng chất chẹn beta nếu bạn bị cao huyết áp hoặc bị đau tim.

Giai đoạn B. Bạn sẽ ở giai đoạn này nếu bạn không có triệu chứng suy tim nhưng bạn được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thất trái, có nghĩa là buồng tim bên trái bạn không bơm máu bình thường. Bạn có thể ở trong nhóm này nếu bạn đã hoặc đang mắc các tình trạng:

• Đau tim

• Bệnh van tim

• Bệnh cơ tim

Các phương pháp điều trị cho giai đoạn B. Tùy theo tình trạng của bạn, bác sĩ có thể cân nhắc các phương pháp điều trị như sau:

• Thuốc ức chế ACE hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB)

• Chẹn beta sau khi bị đau tim

• Thuốc ức chế Aldosterone nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn trong thời gian bạn đang dùng thuốc chẹn beta và thuốc ACE / ARB

• Phẫu thuật chữa trị động mạch vành và chữa trị hoặc thay van tim

Máy chuyển nhịp tim cấy bên trong cơ thể (Implantable cardiac defibrillator - ICD)

Giai đoạn C. Bạn ở giai đoạn này nếu bạn bị suy tim tâm thu cùng với các triệu chứng như:

• Khó thở

• Mệt mỏi

• Khả năng tập thể dục kém

Phương pháp điều trị cho Giai đoạn C. Bác sỹ có thể đề nghị các phương pháp điều trị như sau tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bạn:

• Thuốc ức chế ACE và chất chẹn beta

• Kết hợp hydralazine / nitrate cho một số bệnh nhân nếu triệu chứng vẫn còn dai dẳng

• Thuốc lợi tiểu (thuốc viên nước) và digoxin nếu các triệu chứng vẫn còn

• Chất ức chế Aldosterone nếu các triệu chứng của bạn vẫn nghiêm trọng khi dùng các phương pháp điều trị khác

• Thuốc chẹn thụ thể angiotensin và chất ức chế neprilysin

• Máy tạo nhịp tim

Máy chuyển nhịp tim cấy bên trong cơ thể (Implantable cardiac defibrillator - ICD)

Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các phương pháp sau:

• Ăn ít muối hơn.

• Giảm cân nếu bạn đang thừa cân.

• Uống ít nước hơn nếu cần.

• Dừng các loại thuốc khiến tình trạng của bạn tệ hơn.

Giai đoạn D. Bạn ở giai đoạn này nếu bạn bị suy tim tâm thu và các triệu chứng nặng hơn sau khi được chăm sóc y tế.

Phương pháp điều trị cho Giai đoạn D. Bác sĩ có thể đề xuất một số phương pháp điều trị từ giai đoạn A, B, và C. Bạn cũng có thể nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như:

• Cấy ghép tim

• Thiết bị hỗ trợ chức năng tâm thất

• Các lựa chọn phẫu thuật

• Duy trì tiêm thuốc tăng co bóp tĩnh mạch

Triệu chứng của suy tim là gì?

Nếu bạn bị suy tim, bạn có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào, hoặc các triệu chứng có thể trải dài từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng có thể không thay đổi hoặc có thể xuất hiện rồi biến mất. Các triệu chứng suy tim liên quan đến những thay đổi xảy ra với tim và cơ thể, mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào mức độ suy yếu của tim bạn. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Tắc nghẽn phổi. Tim yếu sẽ làm cho dịch lỏng tràn ngược lại phổi. Điều này có thể gây hụt hơi khi tập luyện hoặc thở khó khi nghỉ ngơi hoặc khi nằm trên giường. Tắc nghẽn phổi cũng có thể gây ra ho khan, ho hoặc thở khò khè.
  • Trữ dịch lỏng và nước. Tim yếu sẽ bơm máu đến thận ít hơn và gây ra hiện tượng trữ nước và dịch lỏng, hậu quả là mắt cá chân, chân và vùng bụng bị sưng phù và tăng cân. Điều này cũng có thể gia tăng nhu cầu đi tiểu đêm khi cơ thể cố gắng loại bỏ chất lỏng dư thừa này. Dạ dày bị sưng tấy có thể gây mất cảm giác thèm ăn hoặc buồn nôn.
  • Chóng mặt, mệt mỏi, và suy yếu. Máu đến các cơ quan và cơ bắp ít hơn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và suy yếu. Máu tới não ít hơn có thể gây ra chóng mặt hoặc nhầm lẫn.
  • Nhịp tim đập nhanh hoặc đột ngột. Tim đập nhanh hơn để bơm đủ máu cho cơ thể. Điều này có thể gây ra nhịp tim nhanh hoặc bất thường.

Nếu bạn bị suy tim, bạn có thể có một hoặc tất cả các triệu chứng này hoặc không có triệu chứng gì cả. Ngoài ra, các triệu chứng của bạn có thể không liên quan đến mức độ suy yếu của tim; Bạn có thể mang theo nhiều triệu chứng nhưng tim của bạn có thể chỉ suy yếu nhẹ về chức năng. Hoặc bạn có thể bị bệnh tim nặng nhưng lại ít triệu chứng.

Làm thế nào để giảm các triệu chứng suy tim?

Để giảm các triệu chứng suy tim cần:

  • Duy trì sự cân bằng chất lỏng. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi lại lượng chất lỏng bạn uống hoặc ăn và tần suất bạn đi vệ sinh. Hãy nhớ rằng, bạn càng đưa nhiều chất lỏng vào mạch máu của bạn, thì tim của bạn càng khó bơm chất lỏng dư thừa đi khắp cơ thể. Hạn chế lượng nước uống của bạn xuống dưới hai lít mỗi ngày sẽ giúp làm giảm khối lượng công việc của tim và ngăn ngừa các triệu chứng tái phát.
  • Hạn chế lượng muối (natri) bạn ăn.
  • Theo dõi cân nặng và giảm cân nếu cần. Tìm hiểu xem trọng lượng "khô" hoặc "lý tưởng" của bạn là gì. Đây là trọng lượng của bạn khi không có chất lỏng dư thừa. Mục tiêu của bạn là giữ cân nặng của mình trong giới hạn 4 pound trọng lượng khô của bạn. Cân vào cùng một thời điểm mỗi ngày, tốt nhất vào buổi sáng, mặc quần áo như nhau, cân sau khi đi tiểu và trước khi ăn, trên cùng 1 cái cân. Ghi lại trọng lượng của bạn vào nhật ký hoặc lịch. Nếu bạn tăng thêm 2 pound trong một ngày hoặc 5 pound trong một tuần, hãy gọi cho bác sĩ của bạn. Bác sĩ của bạn có thể cần điều chỉnh thuốc của bạn.
  • Theo dõi các triệu chứng của bạn. Gọi bác sĩ nếu có triệu chứng mới hoặc nếu triệu chứng xấu đi. Đừng đợi đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng đến mức phải điều trị khẩn cấp.
  • Dùng thuốc theo toa. Các loại thuốc được sử dụng để cải thiện khả năng bơm máu của tim, giảm căng thẳng tim, giảm tiến triển suy tim và ngăn ngừa tích trữ chất lỏng. Nhiều loại thuốc suy tim được sử dụng để làm giảm sự giải phóng các hormon gây hại. Những loại thuốc này sẽ làm cho mạch máu mở rộng hoặc thả lỏng ra (nhờ đó giảm huyết áp).

Làm thế nào để có Chẩn đoán suy tim?

Để kiểm tra xem bạn có bị suy tim hay không, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và có thể yêu cầu một số xét nghiệm khác. Ngay khi xác định được tình hình, bác sỹ và bạn sẽ làm việc cùng nhau để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra liệu bạn có các tình trạng sau hay không:

• Mắc các bệnh khác như tiểu đường, bệnh thận, đau thắt ngực, cao huyết áp, hoặc các vấn đề về tim khác

• Hút thuốc lá

• Uống rượu, liều lượng ra sao

• Dùng thuốc, và thuốc nào

Bác sĩ của bạn cũng sẽ tiến hành một bài kiểm tra thể chất. Bác sỹ sẽ tìm dấu hiệu của suy tim cũng như bất kỳ bệnh khác có thể gây ra suy tim.

Các xét nghiệm

Bác sĩ có thể đề nghị bạn tiến hành một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây suy tim và xem mức độ nghiêm trọng như thế nào.

Xét nghiệm máu. Bác sỹ xem xét sức khoẻ của thận và tuyến giáp và đo mức cholesterol của bạn. Họ cũng kiểm tra xem bạn có bị thiếu máu không, điều này xảy ra khi bạn không có đủ hồng cầu khỏe mạnh.

Xét nghiệm máu peptide lợi niệu loại B (BNP). BNP là chất mà cơ thể bạn tạo ra khi chứng suy tim phát triển. Các mức độ trong máu tăng lên khi các triệu chứng suy tim của bạn trở nên xấu đi.

Chụp X-quang ngực. Cho thấy kích thước của tim. Phương pháp này cũng cho phép bác sĩ của bạn biết có chất lỏng tích tụ quanh tim và phổi của bạn hay không.

Siêu âm tim. Xét nghiệm này cho thấy chuyển động của tim bạn. Trong xét nghiệm này, bác sĩ đặt một que dò lên bề mặt ngực của bạn. Nó gửi sóng siêu âm cho thấy hình ảnh của van tim và buồng tim. Những hình ảnh này cho phép bác sĩ của bạn nhận ra tim của bạn đang bơm máu như thế nào.

Bác sĩ có thể kết hợp siêu âm tim với các xét nghiệm siêu âm Doppler và Doppler màu để kiểm tra lưu lượng máu qua van tim.

Phân suất tống máu (EF). Là phương pháp đo lượng máu được bơm ra khỏi tim mỗi lần tim đập. Lượng máu bình thường là từ 55% đến 75%, có nghĩa là hơn một nửa khối lượng máu được bơm ra khỏi tim trong mỗi nhịp. Suy tim có thể xảy ra do EF thấp.

Điện tâm đồ (EKG). Phương pháp này ghi lại các xung điện chạy qua tim. Trong quá trình xét nghiệm, bác sĩ của bạn đặt các miếng dán nhỏ, phẳng, dính được gọi là điện cực trên ngực của bạn. Chúng được gắn vào một màn hình ghi lại hoạt động điện của tim bạn trên biểu đồ. Xét nghiệm này có thể cho biết nhịp tim của bạn và đưa ra một lộ trình chung về khả năng bơm máu của tim.

Kiểm tra căng thẳng. Tim của bạn sẽ bị "căng thẳng" khi đi bộ trên máy chạy bộ hoặc dùng thuốc tăng bơm máu. Phương pháp này giúp bác sĩ tìm ra các động mạch tim bị tắc.

Thông tim. Xét nghiệm này có thể đo được liệu bạn có tắc nghẽn động mạch hay không (gọi là bệnh động mạch vành).

Chụp CT mạch vành. Sử dụng một tia X và chất cản quang để xem bạn có mắc bệnh mạch vành hay không. Bác sĩ của bạn có thể xem hình ảnh ở dạng 3-D, cho thấy sự tắc nghẽn trong động mạch của bạn.

Chụp cộng hưởng từ tim MRI. Ít được sử dụng rộng rãi, phương pháp này giúp bác sĩ kiểm tra xem bạn có vấn đề với cơ tim hay các mô xung quanh tim hay không.

Điều Trị Suy Tim

Nếu bạn bị suy tim thì bạn có rất nhiều lựa chọn để điều trị. Bác sĩ có thể đề xuất bạn bắt đầu bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống. Nếu tình trạng của bạn trở nên xấu đi, bạn có thể chuyển sang các trung tâm chuyên về điều trị suy tim để có thêm các lựa chọn khác, chẳng hạn như phẫu thuật.

Thuốc

Cần phải nhớ luôn đem theo thuốc bên mình và sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Các loại thuốc thông thường dùng để điều trị suy tim là:

  • Chất ức chế Aldosterone
  • Thuốc ức chế ACE
  • ARBs (thuốc chẹn thụ thể angiotensin II)
  • ARNIs (thuốc ức chế neprilysin thụ thể angiotensin)
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc giãn mạch máu
  • Thuốc chẹn kênh canxi (nếu bạn không bị suy tim tâm thu)
  • Digoxin
  • Thuốc lợi tiểu

Các tùy chọn phẫu thuật

Mục tiêu của phẫu thuật là giúp tim bạn hoạt động tốt hơn.

Phẫu thuật bypass. Phẫu thuật này tạo đường đi cho máu quanh một động mạch bị tắc nghẽn.

Phẫu thuật van tim. Khi suy tim nặng hơn, các van dẫn máu qua tim bạn sẽ không đóng lại hoàn toàn được khiến máu chảy ngược trở lại. Bác sĩ phẫu thuật có thể sẽ sửa chữa hoặc thay thế van.

Phẫu thuật loại bỏ nhồi máu (sửa đổi Dor hoặc thủ tục Dor). Khi đau tim xảy ra ở tâm thất trái (buồng phía dưới bên trái), sẹo sẽ hình thành. Khu vực bị sẹo sẽ mỏng và có thể phồng ra theo mỗi nhịp tim, gây ra phình mạch. Bác sĩ phẫu thuật tim có thể loại bỏ nó.

Thiết bị trợ giúp thất trái (LVAD). Thủ tục này giúp tim bơm máu qua cơ thể. Nó cho phép bạn dễ di chuyển và không bị phụ thuộc.

Cấy ghép tim. Phương pháp này được thực hiện khi suy tim nặng đến mức không thể cải thiện khi dùng các phương pháp điều trị khác.

Làm thế nào giữ tình trạng suy tim không xấu đi?

Theo dõi các triệu chứng của bạn. Kiểm tra xem lượng chất lỏng tích tụ trong cơ thể của bạn thay đổi ra sao bằng cách tự cân mỗi ngày. Đồng thời nên kiểm tra sưng tấy.

Thường xuyên gặp bác sĩ. Bác sỹ sẽ chắc chắn rằng bạn đang khỏe mạnh và bệnh suy tim của bạn không xấu đi. Bác sĩ sẽ yêu cầu được xem ghi chú cân nặng và danh sách các loại thuốc của bạn.

Nếu bạn có thắc mắc, hãy viết câu hỏi ra và đem theo khi hẹn bác sỹ. Gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn có câu hỏi gấp.

Cho các bác sĩ biết về tình trạng suy tim của bạn, các loại thuốc bạn uống và bất kỳ hạn chế nào bạn gặp phải. Ngoài ra, hãy nói với bác sỹ tim của bạn về bất kỳ loại thuốc mới nào do bác sỹ khác kê toa.

Làm thế nào để Ngăn ngừa thiệt hại thêm?

  • Nếu bạn hút hoặc nhai thuốc lá, hãy bỏ thuốc.
  • Giữ cân nặng ổn định.
  • Kiểm soát huyết áp, mức cholesterol và tiểu đường.
  • Luyện tập thể dục đều đặn.
  • Không uống chất có cồn.

Danh sách việc phải làm khi suy tim

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế lượng muối ăn vào dưới 1.500 miligam mỗi ngày. Ăn thực phẩm giàu chất xơ và kali. Cắt giảm lượng chất béo bão hòa, cholesterol và đường. Nếu bạn cần giảm cân thì hãy giảm lượng calo.

Luyện tập thể dục đều đặn. Một chương trình luyện tập thường xuyên được bác sĩ thông qua sẽ cải thiện triệu chứng và sức mạnh của bạn và làm cho bạn cảm thấy khỏe hơn. Nó cũng có thể làm chậm tình trạng suy tim của bạn.

Đừng gắng sức. Lên kế hoạch cho các hoạt động của bạn bao gồm thời gian nghỉ ngơi trong ngày.

Ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng phổi. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về vắc xin cúm và viêm phổi.

Dùng thuốc theo toa. Đừng tự ý dừng uống mà không có ý kiến của bác sĩ. Ngay cả khi bạn không có triệu chứng bệnh thì thuốc vẫn giúp tim đập tốt hơn.

Đón nhận sự hỗ trợ tinh thần hoặc tâm lý nếu cần. Đừng đối mặt với mọi thứ một mình. Hãy kêu gọi hỗ trợ từ các nhân viên xã hội, các nhà tâm lý học, các giáo sĩ và các nhóm hỗ trợ. Xin ý kiến bác sĩ để hành động đúng đắn.

Là nhân vật chính trong đội chữa trị của mình

Phải cần đến một đội để kiểm soát suy tim, và bạn là nhân vật then chốt. Bác sĩ tim sẽ kê toa các loại thuốc của bạn và quản lý các vấn đề y tế khác. Các thành viên khác của nhóm, bao gồm y tá, chuyên viên dinh dưỡng, dược sĩ, chuyên gia thể thao và nhân viên xã hội cũng sẽ giúp đỡ bạn. Nhưng vấn đề chính vẫn là bạn phải uống thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, sống lành mạnh, tham gia các cuộc hẹn đã lên lịch và là nhân vật tích cực của nhóm.

Chung sống với suy tim

Bạn có thể biến việc thay đổi lối sống thành nhân tố chính giúp điều trị suy tim đồng thời duy trì một cuộc sống năng suất. Bài viết này đề cập đến những câu hỏi về lối sống bạn thường phân vân và đưa ra các gợi ý giúp cho các hoạt động hàng ngày trở nên dễ dàng hơn.

Khi nào có thể hoạt động thường xuyên trở lại?

Bạn có thể tiếp tục các hoạt động như bình thường ngay khi bạn cảm thấy khỏe hơn, nhưng hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Tăng mức độ hoạt động dần, và nhớ luôn lắng nghe cơ thể của bạn để nhận ra lúc nào cần nghỉ ngơi.

Tập thể dục với các thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng tim có thể giúp tăng cường sức khỏe cho tim và tăng sức chịu đựng của bạn. Càng bắt đầu tập luyện sớm, bạn càng dễ nhận ra sức chịu đựng của mình.

Khi nào có thể quay lại làm việc?

Nếu bạn đã nhập viện vì suy tim, bác sĩ sẽ cho bạn biết phải mất bao lâu sau khi xuất viện thì bạn mới có thể trở lại làm việc. Việc trở lại làm việc của bạn dựa trên sức khoẻ tổng thể, các triệu chứng và tốc độ hồi phục của bạn.

Bạn nên cố gắng làm việc ngay khi bạn có thể. Nếu công việc đòi hỏi sức khỏe thể chất nhiều, bạn có thể cần phải thay đổi một số hoạt động liên quan đến công việc của bạn. Điều này có thể khiến bạn phải làm quen lại với công việc dần hoặc nếu không sẽ bị tàn phế.

Nói chuyện với bác sĩ của bạn về tính chất công việc của bạn. Bác sĩ có thể giúp bạn nhận ra công việc của bạn có ảnh hưởng đến tình trạng của tim hay không và có cần thay đổi gì không.

Những gợi ý sau đây sẽ giúp cho quá trình quay trở lại làm việc dễ dàng hơn.

  • Lập kế hoạch nghỉ ngơi. Hãy đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ. Bạn có thể phải lập kế hoạch nghỉ ngơi ít nhất 1 khoảng thời gian nào đó mỗi ngày. Khi bạn nằm nghỉ, hãy kê cao chân để làm giảm sưng chân.
  • Duy trì mức năng lượng của bạn. Sử dụng ít năng lượng hơn trong các công việc hàng ngày có thể giúp bạn đủ sức thực hiện nhiều hoạt động trong ngày hơn. Bạn có thể cần phải cắt giảm một số hoạt động hoặc sử dụng các thiết bị hoặc kỹ thuật giúp tiết kiệm năng lượng cho cơ thể. Nếu việc tự chăm sóc hàng ngày hoặc chăm sóc tại gia gây mệt mỏi, hãy nói cho bác sĩ của bạn biết.

Gợi ý giúp đảm bảo năng lượng dành cho những người bị suy tim

  • Đơn giản hóa nhiệm vụ của bạn và đặt mục tiêu thực tế. Đừng nghĩ rằng bạn phải làm những công việc giống nhau lặp đi lặp lại.
  • Lên kế hoạch hoạt động từ trước. Không lên lịch quá nhiều thứ phải làm trong một ngày. Hãy làm những việc cần nhiều năng lượng hơn khi bạn cảm thấy khỏe nhất. Nếu cần, hãy nghỉ ngơi trước và sau khi làm việc. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, tạm dừng lại và nghỉ ngơi. Bạn có thể nên tiến hành công việc đó vào một ngày khác hoặc khi bạn cảm thấy khá hơn. Ngoài ra, không nên lên kế hoạch vận động ngay sau bữa ăn.
  • Ngủ sâu. Đừng ngủ quá nhiều trong ngày hoặc bạn sẽ không thể ngủ vào ban đêm.
  • Nhờ người khác giúp đỡ. Nhờ gia đình và bạn bè giúp bạn xử lí công việc.
  • Nếu cần thiết, sử dụng các thiết bị và công cụ hỗ trợ như khung tập đi, ghế tắm, đầu vòi hoa sen có tay cầm, ghế đi vệ sinh gần giường, hoặc các dụng cụ cầm tay hỗ trợ mặc quần áo (ví dụ như bót đi giày).
  • Mặc quần áo có dây kéo và nút ở mặt trước.
  • Làm tất cả việc liên quan tới vệ mặt (cạo râu, sấy tóc, vv) trong khi ngồi.
  • Nếu bác sỹ của bạn nói rằng tình trạng bạn ổn, bạn có thể leo dốc. Bạn có thể cần phải nghỉ ngơi nếu bạn cảm thấy mệt. Cố gắng sắp xếp các hoạt động của bạn để bạn không phải leo lên leo xuống cầu thang nhiều lần trong ngày.
  • Tránh các hoạt động thể chất căng thẳng. Không đẩy, kéo, hoặc nâng vật nặng (hơn 10 pound).
  • Để biết thêm các cách tiết kiệm năng lượng, hãy cho bác sĩ của bạn biết rằng bạn muốn nói chuyện với một chuyên viên trị liệu hoặc chuyên gia phục hồi chức năng tim. Đôi khi, phục hồi chức năng tim có thể giúp năng lượng của bạn tăng và giúp bạn lấy lại sức mạnh.

Khi nào thì có thể đi du lịch?

Bạn có thể đi du lịch ngay khi cảm thấy khỏe hơn, nhưng phải cho bác sĩ biết khi nào bạn định đi và cho bác sỹ số điện thoại có thể liên lạc được của bạn.

Làm theo các hướng dẫn khi đi du lịch sau để kỳ nghỉ của bạn thú vị hơn:

  • Luôn luôn mang theo tất cả các loại thuốc và đảm bảo bạn có đủ thuốc để dùng trong suốt chuyến đi.
  • Nếu bạn đi bằng máy bay, hãy mang theo thuốc bên mình. Không bao giờ để chúng chung với hành lý. Bạn có thể cần một lá thư từ bác sĩ của bạn để xác nhận tất cả các loại thuốc, đặc biệt là nếu bạn đang đi du lịch quốc tế. Để chung lá thư này với thuốc của bạn
  • Luôn mang Thẻ Chăm Sóc Y Tế Khẩn Cấp.
  • Đảm bảo rằng bạn có số điện thoại của bác sĩ.
  • Cẩn thận tránh nhiễm trùng khi đi du lịch. Ở những nơi nguồn nước không an toàn, hãy uống nước đóng chai hoặc đồ uống khác (đồ uống theo quy định không có đá). Chỉ bơi chỉ trong bể có chứa clo.
  • Chọn thức ăn cẩn thận để tránh bị bệnh.

Chú ý đến cảm xúc của bạn

Chẩn đoán suy tim, các triệu chứng và mối bận tâm của bạn về tương lai có thể khiến bạn và người thân cảm thấy chán nản hoặc lo lắng. Điều này là chuyện bình thường. Khi bạn bắt đầu biết chăm sóc sức khoẻ và thực hiện những thay đổi tích cực, bạn có thể thấy những cảm xúc này dần biến mất. Tuy nhiên, nếu những cảm xúc tiêu cực vẫn tiếp tục và làm ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ riêng. Những lời khuyên từ bác sỹ có thể giúp bạn cảm thấy an tâm hơn.

Một số lời khuyên giúp bạn đối phó với tình trạng buồn rầu:

  • Thay đồ mỗi ngày.
  • Ra ngoài đi bộ mỗi ngày.
  • Theo đuổi các hoạt động hoặc sở thích bạn thích.
  • Chia sẻ cảm xúc của bạn với vợ / chồng, bạn bè, hoặc các giáo sĩ.
  • Ngủ sâu.
  • Tuân theo kế hoạch điều trị bệnh của bạn.
  • Lên kế hoạch và thực hiện theo lịch trình hàng ngày thực tế.

Đối mặt với các vấn đề tình dục

Suy tim có thể ảnh hưởng đến tất cả các mặt của cuộc sống, bao gồm cả năng lượng, ham muốn, hoặc khả năng quan hệ tình dục. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn và bạn đời đối mặt với những khó khăn về thể chất và cảm xúc trong quan hệ tình dục:

  • Nói chuyện cởi mở với bạn đời.
  • Tìm những cách khác để thể hiện cảm xúc.
  • Quan hệ khi cơ thể thư giãn và thể chất thoải mái.
  • Kỳ vọng thực tế. Bạn có thể cần phải điều chỉnh các hành vi tình dục của mình để giảm lượng năng lượng cần thiết.
  • Chăm sóc, yêu thương và trung thực với nhau.
  • Thuốc có thể ảnh hưởng đến sự hưng phấn và khả năng tình dục. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về bận tâm của bạn.

Những câu hỏi thường gặp về suy tim

Suy tim là gì?

Khi bạn bị suy tim, tim bạn sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn. Khi đó, tim không thể bơm đủ lượng máu cần thiết.

Các buồng tim có thể phản hồi bằng cách kéo dãn ra để chứa thêm nhiều máu để bơm khắp cơ thể. Điều này giúp vận chuyển máu trong một khoảng thời gian, nhưng dần dần các thành cơ của cơ tim có thể yếu đi.

Thận sẽ phản ứng bằng cách khiến cho cơ thể giữ nước và muối. Từ đó chất lỏng có thể dần hình thành trong cánh tay, chân, mắt cá, bàn chân, phổi, hoặc các cơ quan khác.

Các triệu chứng của bệnh ra sao?

Triệu chứng có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng, và có thể bao gồm:

Tắc nghẽn phổi. Chất lỏng tràn ngược lại phổi của bạn có thể khiến bạn hụt hơi khi tập thể dục hoặc khó thở khi nghỉ ngơi. Khi nằm trên giường thì càng khó thở hơn. Bạn cũng có thể khò khè hoặc bị ho khan.

Tích trữ nước và chất lỏng. Máu bơm tới thận ít khiến cơ thể bạn giữ chất lỏng. Điều đó có nghĩa là mắt cá, chân, và bụng của bạn có thể sưng lên. Bác sĩ gọi đó là phù nề.

Chất lỏng dư thừa cũng có thể làm cho bạn tăng cân, và bạn có thể sẽ đi tiểu nhiều hơn vào ban đêm. Nó cũng có thể gây ra đầy hơi làm cho bạn buồn nôn và ít đói.

Chóng mặt, mệt mỏi và suy yếu. Máu đến các bộ phận và cơ ít hơn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt. Máu tới não ít hơn bình thường có thể gây ra chóng mặt hoặc nhầm lẫn.

Nhịp tim đập nhanh hoặc bất thường. Điều này xảy ra vì tim bạn phải đập nhanh hơn để bơm đủ máu.

Nếu bạn bị suy tim, bạn có thể có một hoặc tất cả các triệu chứng này, hoặc có thể không có triệu chứng nào cả.

Triệu chứng của bạn có thể không liên quan đến mức độ yếu tim của bạn.

Viễn cảnh nào cho người bị suy tim?

Nếu bạn bị suy tim, mọi thứ phụ thuộc vào việc tim bạn hoạt động tốt như thế nào, các triệu chứng của bạn ra sao, và bạn làm theo và đáp ứng kế hoạch điều trị của bạn tới mức nào. Với phương pháp điều trị phù hợp, suy tim có thể không ành hưởng tới các hoạt động yêu thích của bạn.

Thuốc nào được sử dụng để trị bệnh?

Một số loại phổ biến là: 

  • Thuốc ức chế ACE (thuốc ức chế men chuyển angiotensin)
  • ARBs (thuốc chẹn thụ thể angiotensin II)
  • ARNIs (thuốc ức chế neprilysin thụ thể angiotensin)
  • Thuốc chẹn beta
  •  Digoxin
  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc giãn mạch máu
  • Kali hoặc magiê
  • Thuốc kháng Aldosterone như Aldactone
  • Thuốc chẹn kênh canxi

Phục hồi chức năng tim là gì?

Là một chương trình giúp bạn tập thể dục một cách an toàn và giữ được lối sống lành mạnh. Nó thường bao gồm các bài luyện tập được thiết kế riêng cho bạn, các hướng dẫn và lời khuyên để giảm nguy cơ về tim, như bỏ hút thuốc hoặc thay đổi chế độ ăn uống của bạn.

Phục hồi chức năng tim cũng hỗ trợ cảm xúc cho bạn. Bạn có thể gặp những người giống bạn và giúp bạn duy trì chế độ tập luyện.

Có thể tiêu thụ bao nhiêu muối?

Nếu bạn bị suy tim, bạn không nên nạp hơn 1.500 miligam muối mỗi ngày.

Nên nói với bác sĩ khi gặp những triệu chứng nào?

Nếu bạn có bất cứ dấu hiệu gì bất thường, đừng đợi đến lần hẹn kế tiếp mới nói với bác sĩ. Hãy gọi ngay cho bác sỹ của mình nếu bạn:

  • Tăng cân không rõ lí do - 2 pound trong một ngày hoặc 5 pound trong một tuần
  • Tình trạng sưng mắt cá chân, bàn chân, chân, hoặc bụng trở nên tồi tệ hơn
  • Tình trạng khó thở trở nên xấu đi hoặc xảy ra thường xuyên hơn, đặc biệt là nếu bạn cảm thấy như vậy khi thức dậy
  • Đầy hơi đi cùng việc không thèm ăn hoặc buồn nôn
  • Cực kỳ mệt mỏi hoặc gặp nhiều khó khăn hơn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày
  • Nhiễm trùng phổi hoặc tình trạng ho nặng thêm
  • Nhịp tim nhanh (trên 100 nhịp mỗi phút, hoặc theo lời của bác sĩ)
  • Nhịp tim không đều
  • Cơn đau ngực hoặc khó chịu trong khi vận động trở nên tốt hơn khi nghỉ ngơi
  • Khó thở trong các hoạt động bình thường hoặc khi nghỉ ngơi
  • Thay đổi về giấc ngủ, chẳng hạn như khó ngủ hoặc cảm thấy cần phải ngủ nhiều hơn bình thường
  • Ít muốn đi tiểu
  • Bồn chồn, lo lắng
  • Thường xuyên chóng mặt hoặc thấy lâng lâng
  • Buồn nôn hoặc biếng ăn

Khi nào cần chăm sóc khẩn cấp?

Đến phòng cấp cứu địa phương hoặc gọi số 911 nếu bạn:

  • Đau ngực nặng lần đầu, không rõ lí do kèm theo khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, hoặc suy yếu
  • Nhịp tim nhanh (hơn 120-150 nhịp mỗi phút, hoặc theo lời của bác sĩ) - đặc biệt nếu bạn khó thở
  • Tình trạng khó thở không cải thiện khi nghỉ ngơi
  • Đột ngột cảm thấy suy yếu, hoặc không thể cử động cánh tay hoặc chân
  • Nhức đầu nặng đột xuất
  • Ngất xỉu