Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp Mycoplasma và cách điều trị

Nhiễm khuẩn hô hấp Mycoplasma là gì?

Nhiễm khuẩn Mycoplasma diễn ra ở mọi thời điểm, mọi lứa tuổi. Nhiễm khuẩn Mycoplasma có khả năng làm tổn thương cả trong và ngoài phổi, gây nên những bệnh về đường hô hấp. Nhiễm khuẩn hô hấp Mycoplasma không có triệu chứng đặc hiệu nên rất khó để phát hiện và dễ nhầm với bệnh cúm.

Nhiễm khuẩn hô hấp do vi khuẩn Mycoplasma pneumonia (MP) gây nên, là bệnh lí hay gặp ở trẻ em, là tác nhân gây nên các bệnh lí nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi… Một số trường hợp khác ít gặp hơn là sốt kéo dài, tổn thương tới hệ thần kinh, da, các cơ xương, tim mạch… Nhiễm khuẩn hô hấp Mycoplasma có thể gây nên những dịch bệnh ở các trường học, khu tập thể đông người và rải rác trong các gia đình, khởi phát vào mùa thu và kéo dài từ 12 – 30 tháng. Thời gian ủ bệnh từ 2 – 3 tuần, lâu hơn so với những loại bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp Mycoplasma lây lan qua đường hô hấp từ các giọt nước bọt bắn ra khi ho trong giai đoạn bệnh cấp tính. Không giống như những bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác như sởi, cúm… nhiễm khuẩn Mycoplasma lây lan một cách chậm chạp và kín đáo hơn.

Nhiễm khuẩn hô hấp do Mycoplasma pneumonia là căn bệnh phổ biến ở trẻ em

Mycoplasma pneumonia bám dính ở các tế bào, kích thích sản xuất hydro peroxid và ammonia gây nên tổn thương những tế bào, kích hoạt những tự kháng thể IgM cản trở quá trình kết hồng cầu gây thiếu máu và những biến chứng khác. Trong vòng hơn 30 năm qua, nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn Mycoplasma chiếm tỉ lệ lớn gây nên các bệnh về viêm phổi trong cộng đồng, đặc biệt ở trẻ trên 5 tuổi chiếm tỉ lệ 18 – 40%.

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hô hấp Mycoplasma

-                     Nhiễm trùng hô hấp Mycoplasma xảy ra khi hít phải những giọt nước trong không khí của người bệnh ho ra. Trong những giọt nước bọt này có chứa vi khuẩn Mycoplasma pneumonia gây nên bệnh viêm phổi. Nhiễm trùng Mycoplasma có khả năng lây lan nhanh ở những sinh sống hoặc làm việc trong môi trường nhỏ và chật hẹp như gia đình, trường học hoặc nơi làm việc.

-                     Những người có hệ miễn dịch yếu sẽ có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn hô hấp do Mycoplasma cao hơn những người khỏe mạnh.

-                     Những người thường xuyên sinh hoạt và làm việc ở những nơi đông người dễ có khả năng mắc bệnh.

-                     Ô nhiễm không khí và ô nhiễm khói thuốc dù không phải là tác nhân trực tiếp gây nhiễm khuẩn hô hấp do Mycoplasma nhưng đã góp phần thúc đẩy, làm gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp đặc biệt là do nhiễm khuẩn Mycoplasma.

Nhiễm khuẩn hô hấp do Mycoplasma có thể gây tổn thương phổi

Triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp Mycoplasma

-                     Sau thời gian dài ủ bệnh 2 – 3 tuần, nhiễm khuẩn hô hấp do Mycoplasma bắt đầu khởi phát với các triệu chứng nhức đầu, sốt, sổ mũi, ho, khò khè, mệt mỏi… Những dấu hiệu này thường hay bị nhầm lẫn với cúm.

-                     Ở những người lớn, sốt trên 39 độ C kèm theo lạnh run, đau đầu, đau ngực và ho nặng, kéo dài. Trong đó ho là triệu chứng nổi bật, có đờm máu trắng, kèm theo máu, nghe phổi không có gì bất thường nên khó phát hiện ra bệnh. Chỉ khi chụp xquang mới nhìn thấy những hình ảnh tổn thương. Dưới 20% trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp MP bị tràn dịch màng phổi.

-                     Đối với trẻ em, triệu chứng ban đầu là sốt và ho kéo dài liên tục khiến nhiều bệnh nhân phải nhập viện để điều trị. Sốt không ở mức độ cao, thường dưới 39 độ C nhưng ho mới là triệu chứng nổi bật và kéo dài liên tục. Lúc đầu ho khan, sau đó chuyển sang có đờm. Những cơn ho nặng dần trong 2 tuần đầu sau đó giảm dần. Cũng có khi ho kéo dài 3 – 4 tuần, ho là triệu chứng quan trọng, điển hình để chẩn đoán nhiễm khuẩn MP thể phổi.

Ho liên tục và dai dẳng là triệu chứng điển hình của nhiễm khuẩn hô hấp MP

-                     Các triệu chứng khác thường gặp là chảy nước mũi, viêm họng kèm theo nôn, tiêu chảy, chán ăn ở trẻ nhỏ trong khi trẻ lớn thường cảm thấy nhức đầu và mệt mỏi.

-                     Tình trạng bệnh thường ít thay đổi dù kéo dài nhiều tuần, khám nghe phổi có tiếng ran hoặc không có triệu chứng gì bất thường.

-                     Phát ban ngoài da, nổi mề đay, viêm cơ tim, viêm màng tim, thiếu máu và viêm màng não, viêm tủy. Ban đỏ đa dạng, dát sẩn, mụn nước, thiếu máu tán huyết và những bệnh lí liên quan đến đông máu.

-                     Tan máu xảy ra tự miễn, giảm tiểu cầu và đông máu rải rác trong những lòng mạch.

-                     Người bệnh gặp những vấn đề về tiêu hóa như viêm dạ dày hoặc ruột, viêm gan không có biểu hiện vàng da.

-                     Đau có cơ khớp và viêm đa khớp.

-                     Hạch nách xuất hiện, viêm thận kẽ hoặc viêm cầu thận…

-                     Hầu hết các bệnh nhân nhiễm khuẩn hô hấp do MP đều không được chẩn đoán vì rất khó để phân biệt với những bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi khuẩn và vi rút khác gây nên. Các bác sĩ chỉ có thể chẩn đoán khi bệnh kéo dài và dựa vào những dấu hiệu ngoài phổi.

Những phương pháp chẩn đoán và điều trị

-                     Phương pháp chẩn đoán:

+ Khai thác tiền sử bệnh và kiểm tra sức khỏe: các bác sĩ tiến hành hỏi về những triệu chứng diễn ra của bệnh cùng những biện pháp kiểm tra sức khỏe kĩ lưỡng để chẩn đoán bệnh.

Qua thăm khám và khai thác tiền sử bệnh sẽ giúp chẩn đoán bệnh

+ Chụp Xquang và cắt lớp phổi: phát hiện những tổn thương phổi một bên và thùy dưới.

+ Xét nghiệm máu: để đánh giá lượng bạch cầu tăng hay giảm.

+ Xét nghiệm nước bọt: là biện pháp quan trọng giúp chẩn đoán bệnh thông qua những vi khuẩn được tìm thấy trong nước bọt.

+ Nội soi phế quản: Nội soi, kiểm tra phế quản xác định những tổn thương.

+ Sinh thiết mở phổi: Nếu trong trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra phổi để xác định kĩ những tổn thương để chẩn đoán chính xác mức độ nhiễm khuẩn hô hấp do MP.

+ Nuôi cấy mô đờm: lấy mẫu vật phẩm đờm đem cho xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.

+ Trong trường hợp ho kéo dài mà điều trị bằng kháng sinh nhóm beta lactamine không khỏi cần nghĩ ngay đến nhiễm khuẩn hô hấp MP.

-                     Phương pháp điều trị:

+ Điều trị nhiễm khuẩn hô hấp do MP thường kéo dài từ 14 – 21 ngày. Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

+ Thuốc kháng sinh được dùng trong điều trị để làm ngắn thời gian bị bệnh, giảm các cơn ho và giảm sự lây lan của bệnh. Sau khi điều trị bằng kháng sinh, các triệu chứng sẽ giảm rõ rệt nhưng vi khuẩn thường không bị tiêu diệt tận gốc.

+ Kháng sinh nhóm Macrolide như clarithromycin, rocithromycin, tetracycline, erythromycin, azythromycin, chloramphenicol và các quinolone,  aminoglycoside có hiệu quả rõ rệt trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp do MP. Những cơn ho giảm dần và tổn thương phổi dần biến mất.

Vi khuẩn MP nhạy cảm với những kháng sinh

+ Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và cung cấp nước cho bệnh nhân. Dành thời gian để người bệnh nghỉ ngơi và tránh làm việc nặng sau 2 tuần điều trị.

+ Sử dụng aspirin và các thuốc kháng viêm không steroid hoặc acetaminophen. Tuy nhiên không nên sử dụng aspirin cho trẻ nhỏ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

+ Nếu điều trị tại nhà bằng các phương pháp vẫn không thuyên giảm cần đưa người bệnh tới bệnh viện để được tiêm kháng sinh và thở oxy khi bệnh tình trở nên nghiêm trọng.

Biến chứng của nhiễm khuẩn hô hấp Mycoplasma

-                     Đối với trẻ sơ sinh, mycoplasma gây viêm phổi, viêm màng não và các bệnh về thận, thậm chí dẫn đến tử vong.

-                     Các biến chứng khác bao gồm: viêm tai, viêm phổi nặng, thiếu máu, ban dát đỏ…

Chế độ chăm sóc người bị nhiễm khuẩn hô hấp Mycoplasma

-                     Khi trẻ lên cơn sốt cần cho trẻ uống nhiều nước, mặc quần áo mỏng, rộng và thoáng.  

-                     Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá và không khí lạnh vì sẽ làm khởi phát những cơn ho.

-                     Đối với trẻ sơ sinh kiên trì cho trẻ bú, tăng số lần bú cũng như kéo dài thời gian trong mỗi lần bú. Khi trẻ bị bệnh, cơ thể trở nên yếu ớt sẽ làm giảm khả năng mút vú vì thế trẻ bú không đủ, người mẹ cần vắt sữa, cho trẻ uống bằng muỗng để trẻ được đảm bảo đủ dinh dưỡng trong thời gian điều trị bệnh.

-                     Đối với trẻ lớn, cần cho trẻ uống nhiều nước và tăng cường dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ. Cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và chia nhỏ các bữa ăn cho trẻ.

Đối với trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp do MP cần chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn nhiều lần

-                     Cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để hạn chế diễn biến của bệnh.

-                     Cho người bệnh dùng acetaminophen hoặc aspirin để giảm đau, hạ sốt và uống nhiều nước để bù nước.

-                     Khi có dấu hiệu ho và khó thở dữ dội cần đưa người bệnh đến bệnh viện để được cấp cứu và thở oxy kịp thời.

-                     Dành nhiều thời gian để người bệnh nghỉ ngơi, tránh lao động mạnh và hoạt động gắng sức trong thời gian điều trị và hồi sức.

Phòng ngừa nhiễm khuẩn hô hấp Mycoplasma

-                     Cần cách ly người bệnh để phòng ngừa sự lây lan của vi khuẩn Mycoplasma ra người thân và những người xung quanh.

-                     Vệ sinh thân thể và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sẽ ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn

-                     Không hút thuốc và tránh xa môi trường có khói thuốc.

-                     Nếu thấy có dấu hiệu sốt hoặc ho dai dẳng cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

-                     Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm khuẩn hô hấp do Mycoplasma, nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ bị bệnh cần rửa tay thường xuyên.

-                     Trong một số trường hợp nên sử dụng kháng sinh azithromycin để phòng ngừa nhiễm khuẩn Mycoplasma.

-                     Tiêm phòng cúm hàng năm.

-                     Thường xuyên giữ ấm cho trẻ, khi cho trẻ ra ngoài cần mặc đủ quần áo ấm, choàng khăn và đi tất (vớ) cho trẻ.

-                     Thường xuyên vệ sinh môi trường sống, hạn chế bụi và các loại khói bếp, khói nhà máy… đó là căn nguyên khởi phát những cơn ho.

-                     Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ ngay từ còn nhỏ.

Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ giúp phòng chống bệnh tật

-                     Chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ hàng ngày để tăng sức đề kháng cho trẻ nhằm chống lại bệnh tật cũng như phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp.